Cây trồng rừng và lấy gỗ >> Các loại cây khác

Kỹ thuật trồng cây điều

Các vùng từ duyên hải miền Trung, Tây nguyên đến Đông Nam Bộ có nhiệt độ phù hợp, mùa khô đủ dài để cây điều ra hoa kết quả thuận lợi, ánh sáng cũng đầy đủ, đất đai thích hợp

1. Chuẩn bị đất

Cây điều hay còn gọi là đào lộn hộtCây điều sống được trên nhiều loại đất, nhưng muốn có năng suất cao và ổn định lâu dài cần chọn đất có tầng canh tác dày, không nhiễm mặn, thoát nước trong mùa mưa và đủ ẩm trong mùa khô. Tránh nơi đất có độ dốc lớn. Ngoài ra cần chú ý hệ thống đường vận chuyển và lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu công việc sản xuất, nhất là khi thu hoạch.

Dọn sạch tàn dư các cây có trước rồi cày và bừa cho đất tơi xốp. Nới đất dốc cần bố trí hố trồng theo đường đồng mức hoặc bậc thang. Việc chuẩn bị đất cần tiến hành trước khi trồng vài tháng.

2. Thời vụ và khoảng cách trồng

Có thể trồng quanh năm, tốt nhất nên trồng đầu mùa mưa, từ tháng 4 – 7. Trồng mùa khô phải tưới nhiều.

Khoảng cách trồng thay đổi tùy theo giống, đất đai và phương pháp canh tác. Có thể trồng dày lúc đầu, sau khi thu hoạch một số năm thì tỉa thưa dần. Hoặc ngay từ đầu đã trồng theo khoảng cách thích hợp kết hợp trồng xen các cây ngắn ngày trong những năm đầu.

Nếu lúc đầu trồng dày thì trồng khoảng cách 5m (400 cây/ha). Tỉa thưa lần 1 lúc cây 5 – 6 năm tuổi để có khoảng cách 5x10 m (200 cây/ha). Tỉa thưa lần 2 khi cây 9 – 10 năm tuổi để có khoảng cách 10 x 10 m (100 cây/ha).

Nếu trồng mật độ thích hợp ngày từ nên trồng khoảng cách 7 – 8 m (156 – 204 cây/ha).

Trên lô trồng cây theo hình vuông hoặc nanh sấu. Cũng có thể trồng theo hàng với khoảng cách hàng 10 – 12m, khoảng cách cây 3 – 4 m (với cây giống vô tính). Như vậy mật độ cây tăng và năng suất cũng tăng lên. Hàng cây nên bố trí theo hướng bắc – Nam để tận dụng được nhiều ánh sáng.

3. Đào hố và trồng cây

Sau khi chuẩn bị đất xong, trước khi trồng 1 – 2 tháng bắt đầu đào hố để có thời gian cho đất ải. Hố có kích thước rộng và sâu mỗi chiều 0,5 – 0,6 m. Khi đào hố nên để riêng lớp đất mặt để sau này trộn với phân bón lót.

Trước khi trồng, bón lót cho mỗi hố 10 – 20 kg phân chuồng hoai mục trộn đều với đất mặt vừa đủ lấp đầy hố.

Chọn trồng các cây con đủ tiêu chuẩn. Gỡ bỏ túi bầu cẩn thận để không làm vỡ bầu và hư hỏng cây. Moi một lỗ giữa hố đặt bầu cây rồi ém chặt đất quanh gốc. Dùng cỏ khô, lá cây tủ quanh gốc và tưới nước. Cắm một cọc nhỏ để giữ cây khỏi bị mưa gió làm nghiêng ngã.

Sau trồng khoảng 1 tuần nếu có cây chết cần trồng dặm ngày để vườn cây đồng đều.

4. Trồng xen

Trong những năm đầu vườn điều chưa khép tán, mặt đất còn trống nhiều nên trồng xen cây ngắn ngày. Ngoài việc tận dụng đất để tăng thu nhập, cây trồng xen góp phần hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất trong mùa khô và hạn chế xói mòn mùa mưa. Cây trồng xen họ đậu còn làm tăng độ phì đất và nguyên liệu làm phân xanh.

Cây trồng xen là các hoa màu ngắn ngày như, bắp, đậu nành, đậu xanh…hoặc cây phân xanh phủ đất họ đậu như đậu ma, đậu lông, muồng hoa vàng…, có thể trồng xen cây ăn quả ngắn ngày như dứa (khóm), chuối, đu đủ… ở Ấn Độ trồng xen cây bạch đàn và gỗ tếch với điều trong những năm đầu đã thành công.

5. Bón phân

Trước đây nhiều người cho rằng điều là cây của vùng đất hoang giống như cây rừng nên không cần bón phân. Thực ra để cây điều sinh trưởng tôt, có sản lượng và chất lượng cao cũng cần phải bón phân và chăm sóc chu đáo.

Theo bảng hướng dẫn kỹ thuật trồng điều được Hội Đồng KHKT của Bộ NN – PTNT ban hành năm 2000, bón phân cho cây điều chia làm 2 thời kỳ là thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây còn non) và thời kỳ khai thác (cây đang cho quả) như sau:

Lượng phân bón cho cây điều ở thời kỳ kiến thiết cơ bản:

 

Tuổi cây (năm) Số đợt bón trong năm Dạng nguyên chất (gam/cây/đợt)
N P2O5 K20
1 4 - 5 9 3 3
2 3 90 30 30

Lượng phân bón cho cây điều ở thời kỳ khai thác:

Tuổi cây (năm) Số đợt bón trong năm Dạng nguyên chất (gam/cây/đợt) Vùng Thời gian
N P205 K20
3 1 300 100 100 Đông nam Bô và Tây nguyên Tháng 5 - 6
Duyên hải nam trung bộ Tháng 8 -9
2 200 130 130 Đông Nam Bộ và Tây Nguyên Tháng 8 -9
Duyên Hải nam trung Bộ Tháng 1 -2
4 - 7 Mỗi năm tăng thêm từ 20 – 30 % lượng phân bón năm thứ 3 hay tùy theo mức tăng năng suất
8 trở đi Điều chỉnh liều lượng tùy theo tình trạng sinh trưởng và năng xuất vườn cây


Ngoài ra có thể tham khảo áp dụng một số chế độ bón phân cho điều sau đây:

+ Theo đề án sản xuất và chế biến điều VIE 85/005 – 1989
 

Tuổi cây Số lượng phân bón (g/cây)
Chất dinh dưỡng Phân bón
N P2O5 K2O Urê Super lân Clorua Kali
Năm thứ 1 60 20 20 130 125 35
Năm thứ 2 125 30 40 270 190 65
Năm thứ 3 200 40 60 435 250 100
Từ năm thứ 4 trở đi 250 50 75 540 315 125

Lượng phân trên chia bón 2 lần trong năm, lần đầu vào tháng 5 – 6 (đầu mùa mưa), lần 2 vào tháng 9 – 10 (cuối mùa mưa). Ngoài phân hóa học, hàng năm nên bón thêm phân hữu cơ hoai cho mỗi cây 30 – 50 kg.

+ Theo tài liệu của Ấn Độ, lượng phân bón 3 năm đầu và các năm sau cho điều như sau (gam/cây):
 

Tuổi cây N P2O5 K2O
Năm thứ 1 100 80  
Năm thứ 2 200 80 60
Năm thứ 3 400 120 120
Từ năm thứ 4 trở đi 500 120 120

Lượng phân trên chia đều bón 2 lần vào tháng 5 – 6 và tháng 9 – 10.

Về cách bón, luc cây còn nhỏ xới vòng quanh gốc sâu 10 cm theo hình chiếu chu vi tán lá, rải phân rồi lấp đất lại. Khi cây đã lớn đào rãnh vòng tròn quanh gốc cây rộng và sâu 20 cm cách gốc 1,0 – 1,5m, rải phân xuống rảnh rồi lấp đất. trước Khi rải phân dọn sạch cỏ quanh gốc.

Công ty phân bón Bình Điền sản xuất các loại phân Đầu trâu chuyên dùng cho cây điều, gồm các chất đa lượng NPK và các chất trung – vi lượng phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng các giai đoạn phát triển của cây.

- Giai đoạn kiến thiết cơ bản:

Bón lót (trước khi trồng 7 – 10 ngày): 15 – 20 kg phân chuồng và 1,5 – 2,5 kg Compomix Đầu trâu cho 1 gốc.

Bón thúc: Dùng phân Đầu trâu NPK 20-20-15 + TE:

Năm thứ nhất: 0,5 – 0,75 kg/gốc.
Năm thứ hai: 0,75 – 1,5 kg.
Năm thứ ba: 1,5 – 2,0 kg.

Lượng phân trên chia bón 3 – 4 lần rải vào đất hoặc hòa dưới nước.

- Giai đoạn kinh doanh: Dùng phân Đầu trâu NPK 16-8-16 + 9 S, lượng phấn bón vào gốc cho các lần như sau:

Đầu mùa mưa: 1,5 – 3,0 kg.
Giữa mùa mưa: 0,75 – 1,0 kg.
Cuối mùa mưa: 0,75 – 1,0 kg.

Xới đất quanh gốc thành đường vành khăn theo hình chiếu của vành tán lá, rải đều phân rồi lấp kín.

Ngoài ra, ở thời kỳ điều ra đọt phun phân bón lá Đầu trâu 005 định kỳ 7 – 10 ngày/lần để thúc đẩy ra chồi.

Xử lý ra hoa khi đọt (chồi) đã có 5 – 6 lá, phun 2 – 3 lần phân bón lá Đầu trâu 007 cùng với thuốc trừ sâu Đầu trâu Bihopper hoặc Bisad.

Để tăng đậu trái, hạn chế khô hoa, khi bắt đầu có hoa nở phun 2 lần bằng phân Đầu trâu 009 cùng với thuốc trừ sâu Đầu trâu Bihopper cách nhau 5 – 7 ngày/lần.

Để giảm rụng trái và làm trái to, khi trái bằng hạt sen phun phân đầu trâu 009, định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Nếu có bọ xít muỗi phun kết hợp thuốc Đầu trâu Bihopper, nếu có bệnh kết hợp phun thuốc Carmanthai.

6. Chăm sóc

Tưới nước: Trong mùa khô cần tưới nước cho vườn điều, trung bình fmooix tuần tưới 1 lần. Lượng nước tưới cho mỗi cây khoảng 20, 50, 100 và 200 lít lần lượt trong các năm thứ 1, thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Nói chung cũng còn tùy độ ẩm của đất để quyết định số lần và lượng nươc tưới.

Cây điều kém chịu úng nên trong mùa mưa cần tiêu thoát nước kịp thời dtrong những trận mưa lớn.

Làm cỏ: Việc trừ cỏ cho vườn điều trong những năm đầu là rất cần thiết vì nếu để cỏ phát triển sẽ tranh chấp chất dinh dưỡng và nước của cây, là nơi tồn tại lan truyền của nhiều sâu bệnh hại. làm cỏ bằng cuốc, cào hoặc bằng máy thì nên cày nông, không lấn sâu quá vào tán cây để tranh làm hư rể. Ở nơi đất dốc nếu không có cây phủ đất thì chỉ nên làm cỏ quanh gốc cây, còn lại chỉ nên để một ít cỏ làm cây phủ đất.

Có thể trừ cỏ cho vườn điều bằng các thuốc hóa học như Glyphosate, Paraquat, Diuron … Chú ý tránh để thuốc bay vào ngon cây.

Thời gian trừ cỏ nên tiến hành 1 năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, tạo thuận lợi cho việc gom nhặt hạt trong mùa thu hoạch.

Tỉa cành, tạo tán: Đây cũng là công việc cần thiết góp phần tăng sản lượng điều. nếu để phát triển tự nhiên cây sẽ ra nhiều cành gần mặt đất, làm cho cây có dạng bụi và cành của các cây liền nhau sẽ đan chéo che lấp nhau ảnh hưởng đến ra hoa kết quả, giảm năng suât. Ngoài ra, việc tỉa cành tạo tán còn giúp cho công việc chăm sóc thu hoạch được thuận lợi

Cần chú ý tỉa cành tạo táng cho cây ngay từ hai năm đầu sau khi trồng. Tỉa bỏ những cành ở vị trí thấp dưới 1m kể từ mặt đất. Trên mỗi cây chỉ để lại 3 – 5 cành chính phát triển đều theo các hướng.

Khi đã có một hình dạng cây thích hợp, cân đối thì không cần định kỳ tạo hình nữa. Lúc này chỉ cần chú ý loại bỏ các cành sâu bệnh, cành khô héo, những cành nhỏ, cành tược mọc trong tán lá để cây thông thoáng, sạch sẽ, giảm sâu bệnh và tạo thuận lợi cho cành chính ra hoa. Ở những cây đang cho sản lượng cao nên tránh tỉa những cành lớn, vì đây là những cành cho quả, vả lại tỉa những cành này làm chảy nhựa nhiều, cây bị suy yếu.

7. Cải tạo vườn điều già cỗi

Những cây điều già (từ 8 – 15 năm tuổi) có biểu hiện sinh trưởng chậm, năng suất và chất lượng hạt đã giảm cần cải tạo cho cây trẻ lại, có năng suất và chất lượng cao, kéo dài thời gian khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế. Có 2 biện pháp thường dùng để cải tạo vườn điều già cỗi là tăng cường chăm sóc và đốn cây.

- Biện pháp tăng cường chăm sóc: Sau khi thu hoạch tiến hành vệ sinh vườn cây. Cưa bỏ các cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh, cành già cỗi, dọn sạch cỏ, sửa lại hệ thống tưới tiêu nước.

Bón phân 2 lần trong năm. Lần thứ nhất sau khi thu hoạch xong (tháng 6 – 7) bón cho mỗi cây 1 kg urê + 1,5 kg super lân + 0,5 kg clorua kali. Lần 2 bón vào tháng 10 để cây ra lộc và chuẩn bị cho việc ra hoa kết quả

Tưới nước đầy đủ cho cây trong mùa khô, liên tục mỗi tuần 1 lần cho đến khi cây đậu quả, bắt đầu vào mùa mưa.

Phòng trừ sâu bệnh, chú ý sâu đục ngọn, bệnh thán thư và các sâu bệnh khác.

- Biện pháp đốn cây: Vào đầu mùa mưa cưa thân cây cách mặt đất 0,5-0,7 m. Sau khi cưa gặp trời mưa từ gốc cây mọc ra nhiều chồi. Tỉa bỏ các chồi yếu, để lại mỗi gốc 8 – 10 chồi khỏe, phân bố đều quanh gốc. Những chồi này dùng làm gốc ghép theo phương pháp ghép nêm gỗ mềm. Sau khi ghép 60 – 70 ngày tiếp tục lựa chọn để lại 4 – 5 chồi ghép tốt nhất. Chỗ mặt cắt ở thân cây dùng làm dung dịch Bordeaux tưới đẫm lên để trừ nấm, sau đó dùng sơn chống nước hoặc hắc ín, mỡ bò bôi lên để tránh bị thối thân. Còn chỗ các chồi non sau khi loại bỏ cần phun thuốc sâu để phong ngừa sâu đục thân.

Sau khi đã định chồi ghép tiếp tục chăm sóc cho chồi phát triển sẽ được một vườn điều với giống điều mới đạt yêu cầu.

Chăm sóc khai thác dừa nước Nam Bộ

Ở nước ta, nông dân ngày nay mới chỉ sử dụng trái để ăn và lá để ...

Công dụng của cây cọ dầu

Cây Cọ dầu vốn nguồn gốc châu Phi, mọc hoang hay được trồng ở vùng ven biển ...

Kỹ thuật trồng cây hồi

Giai đoạn dưới 5 năm tuổi cây hồi không chịu được ánh sáng trực xạ mạnh. Đến ...

Cách khai thác lấy mủ nhựa cây trôm

Theo Trung Tâm Khuyến Nông TPHCM hướng dẫn thì việc lấy mủ trôm thực hiện hiệu ...

Một số nét cơ bản về kỹ thuật trồng ...

Giá trị kinh tế nhất của cây Trôm là mủ Trôm. Đây là loại nguyên liệu quan ...

Trồng và chế biến cây thạch đen - sương sáo

Thạch đen còn gọi là Sương sáo có tên khoa học là Mesona Chinensis có tác dụng ...

Cây xương sáo - thạch đen

cây mọc hoang dại và được trồng nhiều ở cùng An Giang để làm thuốc và nấu ...

  • follow us on
  • Tắt Quảng Cáo [X]
    Kyoryo Nhật Bản